Sản xuất Tay rock Bocchi!

Phát triển

Tạo hình của Hitori trong manga Bocchi the Rock!.

Nhà thiết kế nhân vật kiêm giám đốc hoạt họa Kerorira vốn là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Bocchi the Rock!. Anh đã ấp ủ mong muốn góp sức vào dự án chuyển thể anime trước khi nhận được lời mời tham gia. Vì vậy, anh đã dành thời gian tìm kiếm thông tin về tác phẩm. Tháng 6 năm 2019, Kerorira có dịp gặp gỡ với Umehara Shōta (nhà sản xuất của CloverWorks). Trong buổi trò chuyện, Kerorira đã hỏi Umehara liệu anh có hay biết gì về dự án chuyển thể anime của bộ truyện không.[2] Ngay lập tức, Umehara gọi điện thoại cho cấp trên Fukushima Yūichi (giám đốc điều hành của CloverWorks) để xác nhận. Trùng hợp, trong cùng thời điểm, Takayama Mikihiro (một người hâm mộ nhiệt thành của tác phẩm và là nhân viên thuộc công ty mẹ Aniplex) đã mang đề xuất chuyển thể anime đến CloverWorks. Do đó, đội ngũ của Umehara đã tự ứng cử để tham gia vào quá trình sản xuất, và dự án anime chính thức khởi động.[3][4]

Dự án được thực hiện bởi sự hợp tác của hai công ty: Aniplex và Houbunsha. Aniplex chịu trách nhiệm cho các khâu lên kế hoạch, quảng bá, sản xuất hoạt họa và âm nhạc. Houbunsha sở hữu bản quyền gốc của tác phẩm và đảm nhận việc xuất bản.[2] Saitō Keiichirō nhận trách nhiệm chỉ đạo cho loạt anime truyền hình đầu tay này bởi mong muốn của Kerorira là được "cùng anh tạo nên tác phẩm". Umehara vì có mối quan hệ và biết rõ năng lực của vị đạo diễn từ dự án trước, đã chủ động đề nghị anh tham gia. Umehara lựa chọn các vị trí khác trong ê-kíp dựa trên sự tương thích và lịch trình của từng nhân viên. Umehara từng có kinh nghiệm tham gia vào các tác phẩm của tạp chí Kirara như Sansha San'yō tại xưởng phim cũ của anh là Douga Kobo. Vì vậy, đội ngũ sản xuất còn có sự góp mặt của Fujiwara Yoshiyuki (New Game, Mikakunin de Shinkoukei) – vị đạo diễn có thời gian cộng tác với Umehara, bên cạnh Yamazaki Jun (họa sĩ thiết kế nhân vật cho Sansha Sanyo) và Horiguchi Yukiko từ K-On! trong vai trò minh họa dạo đầu.[3][4] Mối quan hệ giữa Umehara và Yoshida Erika trong bộ anime điện ảnh Omoi, Omoware, Furi, Furare (2020) đã thúc đẩy đề xuất lựa chọn cô làm biên kịch loạt phim từ phía Aniplex. Sau khi xem qua các tác phẩm trước đây của Yoshida, đạo diễn Saitō đã quyết định mời cô tham gia dự án. Vì vậy, cô phụ trách viết kịch bản cho toàn bộ các tập phim.[3] Yoshida hoàn thành bản thảo đầu tiên của tập 1 vào ngày 13 tháng 12 năm 2020.[5]

Kawakami Yūsuke (đạo diễn hành động của Xứ sở trứng kỳ diệu do đội ngũ Umehara sản xuất, kiêm biên kịch và chi đạo tập 8 của Nàng búp bê thử đồ của tôi biết yêu) giữ vai trò đạo diễn phân cảnh hòa nhạc. Hỗ trợ thiết kế nhân vật phụ và trang phục thường ngày là Takahashi Saki (thiết kế nhân vật cho Xứ sở trứng kỳ diệu). Ngoài ra, dàn nhân viên sản xuất còn có sự góp mặt của đạo diễn Keisuke Shinohara, nhà thiết kế nhân vật tổng quát Ishida Kazumasa, và hoạt họa Yamamoto Yūsuke. Nhiều nhân viên của hai dự án trên tham gia sản xuất trong vai trò họa sĩ diễn hoạt, đạo diễn tập phim như Saitō, hay Kerorira. Hệ thống sản xuất của tác phẩm tập trung vào đội ngũ trẻ ở độ tuổi từ 20 đến đầu 30 như Kawakami, bên cạnh các thành phần chủ chốt, họa sĩ diễn hoạt, và dàn nhân viên đến từ từng bộ phận. Nhờ phần lớn nhân viên đều tham gia cả 3 tác phẩm [của Cloverworks], dự án sơ hữu một đội ngũ có thể hợp tác chặt chẽ, tạo nên sự khác biệt so với các bộ anime khác thường phải giải tán cơ sở sản xuất sau mỗi dự án.[6] Đội ngũ nội bộ của CloverWorks phụ trách Đồng phục thủy thủ của Akebi, chịu trách nhiệm thực hiện phần thiết kế bối cảnh, thiết kế và hoàn thiện phần màu (phác màu), cũng như xử lý quay phim cho dự án dưới sự dẫn dắt của Yokota Asuka và Moriyasu Yasunao. Boundary (công ty sản xuất CG trực thuộc CloverWorks) thực hiện phần 3DCGI. Việc thực hiện toàn bộ phần thiết kế bối cảnh, xử lý quay phim trong nội bộ giúp nâng cao tỷ lệ nội bộ hóa cho khâu hoàn thiện, thiết kế, quay phim và CG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp trong quá trình sản xuất.[7][8][9]

Lồng tiếng

Tác giả gốc Hamaji Aki đã tham gia vào quá trình tuyển chọn diễn viên. Khi các nhân viên trong đoàn có ý kiến trái chiều, họ sẽ dựa vào ý kiến của Hamaji để đưa ra quyết định. Đội ngũ san xuất đã tổ chức thử giọng hát ở vai diễn Kita để đánh giá cả tính cách Kita và khả năng ca hát của diễn viên.[3]

Aoyama Yoshino được chọn vào vai nữ chính Goto Hitori.[10] Nhìn lại thời học sinh, Aoyama nhận ra rằng bản thân từng là một người hướng nội. Do đó, trong buổi thử vai, thay vì tập trung thể hiện một người hướng nội, Aoyama đã chọn thể hiện con người thật của mình trước đây.[11] Aoyama cũng chia sẻ rằng trong số các nhân vật mà cô từng lồng tiếng, Hitori là nhân vật mà cô có nhiều điểm đồng cảm nhất. Nhờ vậy, Aoyama vận dụng hiệu quả kinh nghiệm của bản thân và cô cảm thấy rất vui khi được hóa thân vào Hitori.[11]

Về phần ca hát, Hasegawa Ikumi không thể hiện Kita theo cách hát một bài hát của nhân vật, mà tập trung vào việc trình bày những khía cạnh hay nhất của ban nhạc Đoàn kết. Do đó, khi thể hiện bài hát, Aoyama tập trung vào chất giọng của "nữ sinh hát hay" kết hợp giữa Hasegawa và Kita, đồng thời chú trọng vào giai điệu và ca từ hơn là thể hiện tính cách của Kita. Bản thân điều này đã phản ánh một thực tế rằng ngay cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp vẫn thường mang một chất giọng khác biệt khi hát so với khi nói.[12]

Chỉ đạo

Về phần chỉ đạo, đạo diễn Saitō luôn cẩn trọng để đảm bảo giao tiếp giữa Hitori và các nhân vật khác không trở nên quá suôn sẻ. Ngay cả khi Hitori chìm đắm trong thế giới riêng giữa chừng cuộc trò chuyện, các nhân vật khác vẫn tiếp tục chuyện trò như bình thường. Saitō đã phối hợp với biên kịch Yoshida để kiểm soát nội dung ngay từ giai đoạn viết kịch bản. Ông còn tỉ mỉ thực hiện quá trình chuyển thể từ kịch bản sang bảng phân cảnh, đồng thời chú trọng phân biệt rõ ràng lời thoại của Hitori: đâu là thông tin dành cho người xem, đâu chỉ là âm thanh nền. Nhờ vậy, cấu trúc cảnh quay được sắp xếp hiệu quả.[3]

Ngoài nội dung được đề cập ở trên, cấu trúc của anime còn chú trọng đến việc xây dựng câu chuyện hoàn chỉnh cho từng tập, bao gồm cách sắp xếp phần mở đầu, kết thúc và nút thắt của mỗi tập. Tác giả manga Hamaji tham gia vào quá trình giám sát thiết kế nhân vật, bối cảnh, nhạc cụ, cấu trúc toàn bộ tập phim, bên cạnh các cuộc thảo luận về kịch bản và lồng tiếng. Về phần thiết kế, Hamaji giám sát các khía cạnh, nhưng về mặt cấu trúc, ngoài việc chia sẻ quan điểm "không sử dụng các biểu hiện chê bai" và "không tạo ra nhân vật phản diện", Hamaji tin tưởng vào đội ngũ sản xuất và không có yêu cầu cụ thể nào về cấu trúc và kịch bản từ phía tác giả gốc. Quá trình giám sát và sản xuất chủ yếu diễn ra dưới hình thức Hamaji trả lời các câu hỏi từ đội ngũ sản xuất. Tuy nhiên, về phần âm nhạc và nhạc phim, Hamaji và Instant (nhóm giám sát âm nhạc của nguyên tác) phối hợp với nhóm âm nhạc của Aniplex để thực hiện sản xuất và tham gia sâu vào các cảnh hòa nhạc. Đặc biệt, về phần nhạc, Hamaji tự mình kiểm tra kỹ lưỡng, tham gia vào quá trình thu âm thử và thu âm giọng hát chính để cùng Instant phối hợp với đội ngũ sản xuất nhằm hoàn thiện tác phẩm theo hình ảnh âm nhạc mà cô mong muốn.[3][13][14]

Là một đạo diễn xuất thân từ họa sĩ diễn hoạt, Saitō đặc biệt chú trọng đến chuyển động trong phim. Anh hướng đến việc thể hiện rõ nét tính cách nhân vật thông qua bố cục, tư thế và diễn xuất trong các phân cảnh của phim. Saitō đã đảm nhận vẽ bảng phân cảnh cho 4 tập, đạo diễn 2 tập và chỉ đạo phần mở đầu cho phim. Phần kết thúc phim do Suzuki Haruka chịu trách nhiệm dưới vai trò sản xuất của Pie in the sky theo mong muốn của Saitō.[15]

Thiết kế nhân vật

Ban đầu, tạo hình nhân vật mang nhiều nét vẽ và chi tiết tỉ mỉ. Tuy nhiên, sau khi Saitō đề xuất thay đổi hướng thiết kế để chú trọng vào chuyển động, Kerorira đã đơn giản hóa thiết kế, giảm bớt số lượng nét vẽ và phối màu nhằm tối ưu hóa khả năng chuyển động mượt mà. Nhờ vậy, phần việc của các họa sĩ diễn hoạt cũng được giảm bớt. Về mặt thiết kế tổng thể, Kerorira lấy hình ảnh minh họa ở đầu tập 3 của manga (ra mắt trong thời gian sản xuất anime) làm tài liệu tham khảo chính.[3]

Ngoài vai trò thiết kế nhân vật và đạo diễn hoạt họa, Kerorira còn tham gia vào tất cả các tập phim với tư cách là họa sĩ hoạt họa chủ chốt. Trong tập 1, Kerorira đã phụ trách vẽ phân đoạn đầu phim, đóng vai trò như kim chỉ nam cho các phân cảnh sau. Thông thường, đạo diễn hoạt họa sẽ chỉnh sửa hoạt họa chủ chốt để đảm bảo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm. Tuy nhiên Tay rock Bocchi! không áp dụng nguyên tắc thống nhất cứng nhắc mà thay vào đó, sử dụng bản hoạt họa chủ chốt của Kerorira làm tiêu chuẩn cho lối hoạt họa, đồng thời cho phép mỗi họa sĩ diễn hoạt thể hiện cá tính riêng, góp phâ tạo ra sự đa dạng trong phong cách vẽ. Để giữ nguyên nét vẽ riêng của các họa sĩ trong quá trình chỉnh sửa, một số cảnh phim xuất hiện các nhân vật với phong cách khác biệt. Trung bình mỗi tập anime cần khoảng 300 cắt cảnh. Thông thường, những họa sĩ tham gia nhiều hơn một tập phim cũng hiếm khi đảm nhận quá 100 khung hình. Tuy nhiên, Kerorira đã tự mình vẽ hoạt họa chủ chốt cho khoảng 600 cắt cảnh trong toàn bộ loạt phim.[3]

Âm nhạc

Livehouse Shelter tọa lạc ở Shimokitazawa, là nguyên mẫu cho Starry hư cấu – bối cảnh chính của tác phẩm.

Aniplex chịu trách nhiệm sản xuất khâu âm nhạc của bộ phim.[16] Mitsui Ritsuo đảm nhận biên khúc hầu hết nhạc hiệu và nhạc phim. Nhiều nghệ sĩ đã tham gia vào phần sáng tác và viết lời, như Higuchi Ai, Otoha, Taniguchi Maguro (nghệ sĩ guitar/giọng hát của Kana-Boon), Nakajima Ikkyu (nghệ sĩ guitar/giọng hát của tricot/Genie High), ZAQ, và Kusano Kayoko. Tổng cộng, phía Aniplex đã sản xuất 14 bài hát, bao gồm những ca khúc không xuất hiện trong anime. Nhà soạn nhạc và nhân viên âm nhạc tham gia dự án nhiều phần liên quan đến livehouse "Shimokitazawa Shelter" (mô hình của livehouse "Shimokitazawa Starry"), hoặc có quan hệ với âm nhạc tại Shimokitazawa.[3][17]

Okamura Gen (đạo diễn trực thuộc bộ phận âm nhạc của Aniplex, đồng thời là kỹ sư thu âm cho Waverider) đảm nhận vị trí đạo diễn âm nhạc của tác phẩm. Khâu biểu diễn của ban nhạc Đoàn kết quy tụ Hitai Osamu đảm nhận phần trống, Takama Yuichi chơi bass, akkin và Mitsui Ritsuro phụ trách guitar.[17] Okamura đã tận dụng mối quan hệ của mình để tập hợp các thành viên cho ban nhạc. Nhờ có kiến thức sâu rộng về âm thanh của một ban nhạc, Mitsui nhận nhiệm vụ cải biên cho nhiều bài hát trong tác phẩm.[18] Về âm nhạc trong phim, tác giả Hamaji và Instant đã cùng nhau thảo luận để đưa ra định hướng. Quá trình sáng tác nhạc bắt đầu từ năm 2019. "Love Song ga Utaenai" là ca khúc đầu tiên hoàn thiện đầu tiên và góp mặt trong album. Cùng thời điểm đó, "Hitoribocchi Tokyo" hoàn tất khâu sáng tác và trở thành bài hát b-side cho đĩa đơn "Seishun Complex". Hai bài hát đóng vai trò như tiêu chuẩn định hình phong cách âm nhạc cho tác phẩm và được chia sẻ trong đội ngũ sản xuất. Vì vậy, cả hai đều không xuất hiện trong phim. Quá trình sản xuất âm nhạc bắt đầu từ việc xác định hình ảnh chung của một "ban nhạc nữ Shimokitazawa" giữa đội ngũ sản xuất nguyên tác và đội ngũ sản xuất âm nhạc. Sau đó, các nhạc sĩ gắn liền Shimokitazawa nhận lời mời tham gia dự án và cùng nhau định hình phong cách âm nhạc cho tác phẩm. Bản thân Okamura thời trẻ cũng thường lui tới "Shimokitazawa Shelter", điều này ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn người phụ trách sáng tác nhạc.[19]

Bộ phận âm nhạc, và nhóm SS trực thuộc Aniplex không chỉ chịu trách nhiệm sáng tác nhạc cho ban nhạc Đoàn kết mà còn cho cả Sick Hack.[20] Nhạc sĩ Keiki Nishida (người viết lời cho ca khúc "Watashi Dake Yuurei" của Sick Hack) cũng chính là người sáng tác nhạc, lời và hát cho ban nhạc trong tập 2.[21][22] Ngoài ra, nhạc phẩm sử dụng trong tập 2 và tập 11 đều là những bài hát của ban nhạc Fuzzy Logic do Nishida thành lập khi còn là học sinh. Ca sĩ thể hiện ca khúc trong tập 11 là Wiz_nicc.[23][24] Tomoki Kikutani (nhạc sĩ sáng tác nhạc phim cho tác phẩm) là người chịu trách nhiệm sáng tạo các phân đoạn Hitori vừa gảy guitar vừa hát.[17]

Ba nhạc sĩ Otoha, Ai Hino và ZAQ nhận nhiệm vụ sáng tác lời bài hát mở đầu và nhạc phim cho anime. Phía đội ngũ sản xuất đã cung cấp cho họ thông tin về bối cảnh và ý tưởng của tác phẩm trước khi bắt đầu sáng tác. Cả ba đều đã đọc nguyên tác manga và nắm bắt phần nào ý tưởng chung. Hai bài hát "Guitar to Kodoku to Aoihoshi" và "Ano Band" góp mặt trong phim đều là tên bài hát xuất hiện trong tập 1 của nguyên tác. Ê-kíp sản xuất đã cân nhắc nhiều ý tưởng cho ca khúc kết thúc phim, bao gồm cover các bài hát của Asian Kung-Fu Generation (những bài hát đã ảnh hưởng đến ý tưởng của nguyên tác) hoặc sử dụng tất cả các bài hát của ban nhạc Đoàn kết. Cuối cùng, để mang đến cho người xem những bản nhạc đặc trưng của nhóm Đoàn kết, đội ngũ quyết định kết hợp cả hai ý tưởng: mời các nghệ sĩ hàng đầu sáng tác nhạc mới cho ban nhạc qua giọng hát của các nhân vật, đồng thời cover các bài hát của Asian Kung-Fu Generation. Phía Aniplex đã liên lạc với Asian Kung-Fu Generation và công ty quản lý của nhóm. Sau khi giải thích chi tiết về nguyên tác và chuyển thể anime, đơn vị đã nhận được sự đồng ý từ ban nhạc.[19]

Biểu trưng ban nhạc Đoàn kết.

Về mặt âm thanh, tác phẩm sử dụng hai cây guitar, bass và trống. Âm thanh guitar được phối sao cho từ kênh bên phải người nghe có thể cảm nhận tiếng guitar lead của Hitori, trong khi kênh bên trái mang đến âm thanh guitar của Kita. Quá trình thu âm hạn chế tối đa sự chồng chéo. Mặc dù có thêm âm sắc ở phần điệp khúc, bản nhạc vẫn hạn chế sử dụng các âm thanh khác ngoài 4 nhạc cụ chính. Để bù đắp cho sự thiếu hụt âm thanh, đội ngũ đã sử dụng 5 bộ khuếch đại cùng với việc điều chỉnh chi tiết. Okamura đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các chi tiết nhỏ như vị trí đặt micro, hiệu ứng và hệ thống dây dẫn. Anh hợp tác chặt chẽ với nhà soạn nhạc Mitsui để hoàn thiện bản thu âm.[17]

Để thể hiện cảm xúc căng thẳng của các thành viên ban nhạc ở ca khúc "Guitar to Kodoku to Aoihoshi" trong tập 8, đoàn làm phim đã thu âm theo hai bản: "OK" và tâm trạng áp lực. Đặc biệt, đội ngũ đã thu âm phần trống lệch nhịp, ảnh hưởng đến nhịp điệu guitar của Hitori và bass của Yamada, dẫn đến việc Kita đánh sai nhịp. Đoạn hát thu âm cùng lúc với phần lồng tiếng thay vì thu âm riêng. Bài hát thứ hai "Ano Band" thu âm lại giọng hát ở phòng thu khác để thể hiện sự tiến bộ của các thành viên sau khi vượt qua áp lực ở bài hát đầu tiên. Bài hát "Seiza ni Naretara" ở tập thứ 12 thu âm trực tiếp tại phòng thu với cây đàn guitar bị đứt dây, mô phỏng kỹ thuật chơi "bottleneck" của Hitori trong phim. Bản thu này khác với bản đĩa đơn đã phát hành.[12][19] Do dây đàn thứ nhất bị đứt, Ritsuo Mitsui đã soạn lại bài hát để có thể chơi mà không cần sử dụng dây 1.[25] Bản thu âm đĩa đơn và album đều giữ nguyên phần độc tấu guitar ban đầu của Hitori. Tương tự, nhạc hiệu tập cuối "Wasurete Yaranai" cũng khác với bản thu âm trong album. Bản thu âm giữ lại những tiếng ồn thường bị loại bỏ, bao gồm tiếng ồn từ bộ khuếch đại khi không chơi nhạc cụ.[12]

Tập cuối cùng của anime mang tên "Ánh sáng buổi sáng rọi vào em" đã sử dụng bản hát lại bài hát "Korogaru Iwa, Kimi ni Asa ga Furu" từ ban nhạc Asian Kung-Fu Generation. Ý tưởng cover xuất phát từ tác giả Hamaji. Bà lựa chọn bài hát này vì cảm nhận được sự đồng điệu với nhân vật chính Hitori Gotō. Ban đầu, Hamaji đề xuất bài hát là bản hát lại của ban nhạc Đoàn kết, không liên quan đến nhạc phim. Tác phẩm sử dụng cùng tiêu đề bài hát cho tập 1 và tập cuối. bản hát lại tập trung vào giọng hát của Hitori. Tiếng thở của Hitori khi hát "ah" trải qua quá trình điều chỉnh kỹ lưỡng để tái tạo.[19] Nhóm nhạc Asian Kung-Fu Generation đã đăng tải lời nhắn trên trang mạng xã hội chính thức để chúc mừng bản hát lại.[26][27]

Nhạc phim ra mắt dưới dạng video âm nhạc trên YouTube cùng lúc với thời điểm phát sóng anime, đồng thời cũng được phát hành trực tuyến trên các nền tảng khác. Nhờ vậy, anime đã thu hút sự chú ý của khán giả, không chỉ giới hạn trong cộng đồng người hâm mộ mà còn lan rộng đến những người "mới biết đến anime qua bài hát nổi tiếng". Điều này đã góp phần vào việc thúc đẩy sự phổ biến của phim.[28]

Hoạt họa

Để tạo dựng các cảnh diễn, đoàn làm phim đã quay lại màn trình diễn của diễn viên và dựa trên đó để vẽ và hoàn thiện. Trong quá trình quay, đạo diễn sẽ hướng dẫn diễn viên cách thể hiện từng nhân vật. Tác phẩm còn có sự giám sát của đội ngũ sáng tác nguyên tác, đồng thời những góp ý về cử chỉ nhỏ của các nhân vật từ phía tác giả cũng được lồng ghép vào chuyển động của nhân vật. Để tạo nên dòng chảy câu chuyện độc đáo chỉ có trong anime, Instant đã điều chỉnh cấu trúc của một số phân cảnh hòa nhạc. Solid Cube (đội ngũ từng phụ trách phần hoạt họa cho MV "BanG Dream!" và diễn viên Leo/need trong "Project Sekai") đảm nhận vị trí diễn viên mocap, đồng thời là đơn vị chọn ra những thành viên có khả năng biểu diễn. Quá trình sản xuất hoạt họa các cảnh biểu diễn diễn ra theo hai bước: các diễn viên thực hiện mocap, sau đó đội ngũ sản xuất sử dụng dữ liệu này để thiết lập bố cục CG bằng camera ảo. Kawakami Yusuke (chỉ đạo - biên kịch phân cảnh phần hòa nhạc kiêm đạo diễn tập phim) và Uchimura Hiroaki (đạo diễn CG phần hòa nhạc) đã hợp tác để hoàn thiện màn ảnh trong công đoạn này. exsa chịu trách nhiệm các công đoạn CG phần hòa nhạc sử dụng công nghệ mocap (mô hình CG đơn giản và bố cục CG). Sau khi hoàn thành thiết kế màn ảnh 3DCG, nhóm họa sĩ diễn hoạt phân cảnh biểu diễn dưới sự dẫn dắt của Yuki Ito sẽ tiếp nhận và vẽ lại tất cả các cắt cảnh thành bản vẽ gốc thủ công, bao gồm cả bố cục.[3][9][29]

Hoạt họa chủ chốt cho các phân cảnh hòa nhạc do Ito đảm nhận trong tập 1,[30] Ito và Miyoun trong tập 5,[31] Sakura Watanabe trong tập 6,[32] Nogya trong bài hát đầu tiên của tập 8,[14] Tomato trong bài hát thứ hai,[33] Yoshikawa trong bài hát đầu tiên của tập 12,[17] bên cạnh Tomoki và Ito phụ trách bài hát thứ hai.[34] Do tính phức tạp của các chuyển động ngón tay khi chơi đàn và các động tác chũm chọe hay hi-hat của trống, việc sử dụng công nghệ thu mocap cho phân cảnh biểu diễn là không khả thi. Vì vậy, sau nhiều cuộc thảo luận cùng các video tham khảo, các họa sĩ diễn hoạt đã vẽ tay từng chuyển động để tạo nên phân cảnh.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tay rock Bocchi! https://twitter.com/kafunsyokougun/status/15787727... https://twitter.com/kafunsyokougun/status/16065896... https://twitter.com/kafunsyokougun/status/15787201... https://twitter.com/kafunsyokougun/status/15787077... https://twitter.com/kafunsyokougun/status/15787133... https://twitter.com/kafunsyokougun/status/15790316... https://twitter.com/BTR_anime/status/1588916799466... https://twitter.com/ioArthus/status/16016122785454... https://twitter.com/keikinishida/status/1581305392... https://twitter.com/keikinishida/status/1602305156...